An Giang vốn được biết đến là một vùng đất có đời sống văn hóa tâm linh đặc biệt. Sở dĩ vì đây được xem là cộng đồng cư trú của nhiều dân tộc khác nhau. Nổi bật trong đó phải nhắc đến cư dân người Chăm. Chính vì thế nơi đây nổi tiếng với địa danh Làng Chăm Châu Phong được đông đảo du khách háo hức tìm đến. Nếu bạn đang tò mò muốn khám phá địa điểm này, đừng vội bỏ qua bài viết sau của AnGiangtoplist.
Đôi nét về nguồn gốc của Làng Chăm Châu Phong
Theo tìm hiểu ở An Giang hiện nay có khoảng hơn 30 nghìn người Chăm sinh sống. Trong đó làng Chăm Châu Phong được xem là nơi có đời sống văn hóa nổi bật, độc đáo nhất. Nơi ở của cộng đồng người Chăm này luôn thu hút sự quan tâm của du khách thập phương. Ai đã từng đi qua đây đều có được cho mình những cảm nhận thú vị.
Ngôi làng này nằm ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Nhiều năm qua nơi đây đã hình thành nên một cộng đồng dân cư với nhiều nét đẹp trong đời sống văn hóa. Đặc trưng nhất là tín ngưỡng Hồi Giáo, nhà sàn sinh sống, trang phục hay các làng nghề truyền thống.
Kinh nghiệm di chuyển đến Làng Chăm Châu Phong An Giang
Để di chuyển đến Làng Chăm Châu Phong không phải là khó. Ngôi làng này nằm cách với Châu Đốc một con sông. Tính theo khoảng cách đường bộ giữa hai vị trí này thường từ 5km và khoảng 3,5 km đường sông.
Nếu chọn cách di chuyển bằng đường bộ, bạn chạy xe đến bến phà Châu Giang. Sau đó di chuyển bằng phà để qua địa phận xã Châu Phong, Tân Châu. Đến nơi, bạn chạy khoảng 1km nữa là tới làng Chăm Châu Phong. Thời gian di chuyển tới làng khoảng từ 20 phút.
Trong khi đó, nếu di chuyển bằng đường sông thường chỉ khoảng 15 phút nếu xuất phát từ trung tâm thành phố Châu Đốc. Du khách có thể đến ngã ba Châu Đốc hoặc tới bến đò Châu Giang để thuê tàu. Giá tàu thuyền đôi khi sẽ khác nhau vào vài thời điểm. Thuyền sẽ giúp bạn đến với làng Chăm một cách nhanh chóng.
Một số trải nghiệm thú vị tại Làng Chăm Châu Phong
Đến với Làng Chăm Châu Phong, quý khách sẽ được trải nghiệm rất nhiều điều thú vị. Trong đó phải kể đến như:
Khám phá các làng nghề truyền thống
Người Chăm được biết đến là một cộng đồng dân tộc có đời sống văn hóa vô cùng đặc sắc. Điều đó được thể hiện rõ nét qua cuộc sống thường ngày. Nhất là qua các làng nghề truyền thống gắn bó từ bao đời nay. Tiêu biểu là nghề dệt thổ cẩm.
Nhìn chung thổ cẩm ở làng cũng không khác gì mấy so với thổ cẩm của người Chăm ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhưng về họa tiết trên vải có phần ấn tượng hơn do sự giao thoa các tôn giáo khác. Đây cũng được xem là nghề chính của người dân bên cạnh việc đánh bắt hải sản.
Bên cạnh nghề dệt thổ cẩm, ở làng Chăm Châu Phong còn nổi bật với nghề làm đồ trang sức. Đến đây, bạn có thể chiêm ngưỡng được những món đồ trang sức bắt mắt và kỳ công. Bạn cũng có thể tự chọn mua cho mình hay mua làm quà tặng với những chiếc vòng tay, dây chuyền, bông tai.
Tìm hiểu nét đẹp trong kiến trúc nhà Chăm truyền thống
Một trong những nét đặc sắc tiếp theo không khỏi khiến du khách thích thú đó là nơi ở của người dân. Cộng đồng người Chăm ở Làng Chăm Châu Phong chủ yếu sinh sống tại nhà sàn. Thế nhưng, nhà ở đây cũng có sự khác biệt. Du khách đến chơi thường sẽ được ngồi trên thảm hay chiếu. Bởi lẽ bên trong nhà thường không có bàn ghế.
Nhà sàn ở đây được xây cao, chất liệu từ gỗ quý. Người Chăm luôn xây nhà quay về hướng Nam, có cầu thang gỗ để đi lên xuống. Đồng thời hai cửa ra vào được xây thấp hơn so với đầu người để khi người lạ bước vào sẽ cúi thấp đầu. Đây cũng là thể hiện cho việc chào gia chủ. Bên cạnh đó, trong nhà còn có một khung cửa có cái màn che. Nó có tác dụng ngăn cách giữa ngoài vào trong. Thường bên trong đó là không gian riêng của phụ nữ. Đàn ông, con trai thường không được vào.
Độc đáo trang phục của người Chăm
Người Chăm ở làng Chăm Châu Phong chủ yếu theo đạo Hồi. Bởi thế các phong tục tập quán của họ cũng có sự khác biệt. Đặc biệt thể hiện rõ nhất qua trang phục mà họ mặc thường ngày. Đàn ông thường sẽ mặc xà rông, trẻ tuổi thường đội mũ màu đen, lớn tuổi thì đội mũ trắng.
Còn đàn bà thì mặc váy, đội khăn Mat’ra. Đàn ông ở đây không uống rượu. Phụ nữ thường không được ra ngoài. Ngoài ra, họ còn có tập tục không ăn thịt heo, không đeo vàng trên người.
Tham quan thánh đường Mubarak – Di sản quốc gia
Du khách cũng không quên ghé thăm quan Thánh Đường Hồi Giáo Mubarak tại làng. Nơi đây cũng được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989.
Công trình này sở hữu kiến trúc vô cùng đẹp và trang nghiêm. Cổng chính đi vào có hình vòng cung. Phần nóc bầu dục, chân tháp hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao chính là biểu tượng của đạo Hồi. Thánh đường này được xem là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo.
Thưởng thức ẩm thực đặc sản của Làng Chăm Châu Phong
Chắc hẳn điều khiến du khách không khỏi thích thú khi ghé Làng Chăm Châu Phong nằm ở ẩm thực vô cùng độc đáo. Đến đây, nhất định bạn phải thưởng thức các món ăn như cơm nị, cà púa. Đây là 2 món ăn đặc sản nổi tiếng tại làng với hương vị hấp dẫn.
Món cơm nị được tạo ra bằng cách nấu gạo chung với sữa. Sau đó cho thêm nho khô vào để tăng hương vị. Còn món cà púa chế biến từ thịt bò cùng với nhiều nguyên liệu kết hợp như gừng, nước cốt dừa, cà ri, hành, động phộng… Hai món ăn này thường được ăn cùng với nhau. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt béo từ sữa, bùi của đậu phộng, mặn ngọt đan xen của thịt bò, nho khô, và cay nồng của ớt. Tất cả hòa quyện vào nhau khiến ai ăn vào cũng mê mẩn.
Bài viết ở trên của AnGiangtoplist cũng đã giúp bạn biết được những điều thú vị về Làng Chăm Châu Phong. Chúc các bạn có được một chuyến hành trình khám phá vùng đất này nhiều niềm vui và kỷ niệm nhé.
Xem thêm:
Top 5 các lễ hội truyền thống An Giang
Top 5 Di sản văn hóa phi vật thể An Giang
Cách di chuyển đi Campuchia từ An Giang